Tự chủ đại học và nỗi lo tăng học phí

Tự chủ đại học và nỗi lo tăng học phí

(GDTĐ) – Hàng năm, nỗi lo đối với sinh viên luôn là việc tăng học phí. Trong khi đó, xu hướng tự chủ đại học đồng nghĩa với việc các trường có thể tăng học phí trên trời. Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, xu hướng phát triển trong giáo dục hiện nay là đề cao tự chủ và trách nhiệm giải trình. Tự chủ trước hết về tổ chức, tiếp đến là chuyên môn, học thuật và tự chủ về tài chính. Nhưng không ít trường lại đặt tài chính lên trước chất lượng và học thuật…

Loay hoay thu học phí

Nói về thực trạng giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, cả nước hiện có 236 trường đại học với khoảng 1,7 triệu sinh viên. Trong đó có 171 trường công lập, số còn lại là tư thục và các trường có vốn đầu tư nước ngoài. Về tài chính, mức chi cho giáo dục còn thấp với khoảng 0,5% GDP, người học phải “gánh” rất nhiều, gần như nhiều nhất trong các nước khảo sát. Mức đầu tư cho giáo dục so với GDP chỉ hơn 10%, trong khi các nước lên tới 40%.

Tự chủ đại học không chỉ là tự chủ về tài chính

Hiện cả nước có 23 trường đại học đang thực hiện tự chủ về đào tạo, hợp tác quốc tế, bộ máy, tài chính và kết quả là đã có nhiều đổi mới về nội dung chương trình và phương pháp đào tạo. Về định hướng, theo ông Phúc, phải thể chế hóa tự chủ đại học, trong đó sửa Luật Giáo dục Đại học là vấn đề hết sức cấp bách. Bởi thực tế cho thấy, nhiều trường tự chủ đang gặp vướng mắc về thủ tục. Vì thí điểm tự chủ nên lãnh đạo nhiều trường đại học vừa làm vừa lo. Do vậy, cần phải sớm tạo hành lang pháp lý, tạo ra sự yên tâm cho các trường, đồng thời ông Phúc lưu ý đẩy mạnh tự chủ nhưng phải gắn liền với trách nhiệm giải trình trong xã hội.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến vấn đề tự chủ trong chương trình chứ không phải tự chủ về tài chính. Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV TP.HCM cho rằng, hiện cơ chế tự chủ có sự lệch lạc, các trường chỉ lo cơ chế tự chủ tài chính, loay hoay làm thế nào để thu học phí còn tự chủ học thuật thực tế lại không được coi trọng, điều này trở thành nguy cơ lớn trong nền giáo dục của chúng ta.

Thực tế, tài chính trong giáo dục đại học là một vấn đề lớn được bàn luận nhiều trong các hội thảo và trên các diễn đàn, tập trung vào các nội dung như: Giáo dục đại học ngày càng đắt đỏ; Học phí đại học tăng mạnh; Tỷ lệ chi cho giáo dục đại học chiếm một phần lớn trong chi tiêu gia đình. Ông Từ Quang Hiển, ĐH Nông Lâm Thái Nguyên cho biết: Nguồn tài chính của các trường đại học ở Việt Nam cũng giống như ở nước ngoài, bao gồm: Ngân sách nhà nước, thu từ đào tạo (học phí, lệ phí ), từ đề tài nghiên cứu khoa học và sản phẩm khoa học công nghệ, từ tài trợ của doanh nghiệp, cựu sinh viên…. và các nguồn kinh phí khác, trong đó nguồn thu từ ngân sách nhà nước và từ đào tạo chiếm tỷ trọng lớn (80 – 90%), từ các nguồn thu còn lại rất ít. Ở một số nước phát triển, một trường đại học lớn có thể được hưởng từ ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm dưới các hình thức khác nhau.

Ông Hiển nhấn mạnh: Gần đây, khi nói đến tự chủ các trường đại học, người ta thường nghĩ rằng đó là tự chủ về tài chính (các trường tự thu, tự chi, tự nuôi sống mình), nhà nước bớt đi một gánh nặng ngân sách dành cho các trường đại học. Suy nghĩ như vậy là phiến diện và chưa đúng. Nhà nước trao cho các trường đại học tự chủ nhiều lĩnh vực trong đó có tự chủ về tài chính. Tự chủ về tài chính có nghĩa là nhà trường có quyền quyết định chi và quyết toán kinh phí hàng năm bao gồm kinh phí từ nhà nước cấp và kinh phí tự có của trường.

Phải tính đến khả năng chi trả của sinh viên

Về vấn đề tài chính cho giáo dục đại học và gắn liền với nó là học phí hiện có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau: Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng hãy sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hiện có, không nên đặt vấn đề tăng đầu tư, tăng học phí vì điều đó gây khó khăn cho ngân sách và việc tiếp cận giáo dục đại học của một số đông sinh viên nghèo. Luồng ý kiến thứ 2 cho rằng, nên tính đúng, tính đủ các chi phí để xây dựng mức học phí phù hợp. Với nguồn kinh phí hạn hẹp, các trường đại học khó có thể đạt được các chuẩn mực đào tạo.

Bà Đặng Thị Thanh Huyền – Học viện Quản lí Giáo dục cho rằng, nhìn chung các trường đại học theo mô hình tự chủ sẽ có học phí thấp nhất khoảng 15 triệu đồng/năm học trở lên. Học phí tăng đồng nghĩa với chất lượng đào tạo; tỷ lệ việc làm; đánh giá sinh viên (SV) đều tăng, cho thấy đây là hướng đi đúng đắn. Nhưng bên cạnh đó, không ít các trường có mức học phí quá cao, khiến cho nhiều SV ngần ngại theo học vì không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu về mặt tài chính.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo bà Đặng Thị Thanh Huyền, các trường đại học tự chủ tăng học phí là đúng nhưng tất cả các mức tăng học phí đều là vấn đề rất nhạy cảm với xã hội và trực tiếp là người học, phải tính đến khả năng chi trả của SV. Khi đã quyết định thực hiện thì cần truyền thông cho SV hiểu rõ, tránh tình trạng phàn nàn và ngần ngại theo học. Bởi lẽ, bộ phận người dân thu nhập thấp là mấu chốt cho vấn đề học phí của các trường tự chủ, nếu các trường không giải quyết triệt để vấn đề này thì sẽ vô tình gây ra hiện tượng phân hóa trường giàu, trường nghèo. Do đó, nâng mức các khoản vay không lãi; học bổng; giải thưởng; hỗ trợ chi phí học tập cho SV khó khăn; cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp là những việc thiết thực nhất các trường tự chủ cần làm ngay.

Từ thực tế trường thí điểm tự chủ, ông Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật TPHCM cho biết: Sau khi trường được tự chủ từ năm 2017 thì mức học phí tăng lên gần gấp đôi. Năm 2017 số lượng sinh viên đăng kí ban đầu vào trường là 45.000 hồ sơ, nhưng sau khi nhận được thông báo học phí thì lượng hồ sơ giảm đi còn 20.000. Tuy nhiên, năm nay do được tuyên truyền về tỷ lệ việc làm, lời hứa về chất lượng đào tạo nên tỷ lệ tuyển sinh của trường đã tăng cao hơn năm ngoái rất nhiều với 63.000 chỉ tiêu đăng kí cho dù mức học phí còn cao hơn năm trước. Điều đó cho thấy, học phí cao không ảnh hưởng đến danh tiếng hay chỗ đứng của trường. Trường nào được Nhà nước bao cấp thì học phí thấp, trường nào tự chủ thì học phí cao. Nhưng tất cả là ở người dân, người dân cần một nền giáo dục thực chất, con em họ có việc làm ngay sau khi ra trường đó mới là điều họ quan tâm nhất. Còn các em SV khó khăn cần hỗ trợ thì trường vẫn cho đóng mức học phí trước khi bước vào tự chủ, hỗ trợ tối đa 15% tổng số SV nhập trường.

Ở góc độ khác, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài- Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, các nước như Hà Lan, Úc, Mỹ, Anh, Nhật Bản là những nước thành công trong mô hình tự chủ đại học, trong đó, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong định hướng và trợ giúp các trường thực hiện vấn đề tự chủ.

Đồng thời GS Hoài nhận định, thành công của các trường nằm trong top 50 của thế giới là nhờ vào khả năng tiếp cận tài chính từ thị trường. Trong khi đó, nguồn thu của các trường ĐH ở Việt Nam chủ yếu vẫn là từ học phí và ngân sách công. Học phí tăng quá cao sẽ như dây đàn chờ đứt, cần đặt ra câu hỏi SV có thể chi trả ở mức nào thay vì nhà trường sẽ cho đóng ở mức nào?

Nguyệt Lê – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 105, tháng 10/2018