Điểm thi môn Sử kỳ thi THPT Quốc gia 2018 thấp: Học sinh đang học lệch và học theo kiểu thực dụng

Điểm thi môn Sử kỳ thi THPT Quốc gia 2018 thấp: Học sinh đang học lệch và học theo kiểu thực dụng

(GDTĐ) – Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, môn Sử có phổ điểm thấp kỉ lục, điểm trung bình môn Sử năm nay thấp hơn hẳn so với những năm trước, chỉ đạt 3,79 điểm. Trong khi đó, điểm trung bình môn Sử của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 là 4,49 điểm còn năm 2017 là 4,6 điểm…

Lỗi từ… nhiều phía

Tại TP. Hồ Chí Minh, môn Lịch sử có đông thí sinh đăng ký thi nhất ở tổ hợp bài Khoa học Xã hội, với 27.941 em nhưng chỉ 19,1% bài thi đạt từ 5 điểm trở lên; 80,9% bài thi có điểm dưới trung bình. Tại Đồng Nai, điểm trung bình môn Lịch sử chỉ chiếm 12,7% và có tới 87,3% bài thi điểm dưới 5. Tại Đà Nẵng, 90% thí sinh đạt dưới điểm 5 môn Lịch sử. Tại Quảng Trị, chỉ hơn 17% thí sinh đạt điểm trên trung bình môn Lịch sử. Còn tại Nghệ An, môn Lịch sử cũng có phổ điểm trung bình khá thấp, tập trung nhiều ở quãng từ 2,5 đến 4,5 điểm…

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 không còn “mưa” điểm 10

Trước những con số lộ diện rõ nét sau kì thi, các thầy cô thuộc Trung tâm HOCMAI đã phân tích và đưa ra các yếu tố ảnh hưởng khiến điểm môn Sử của kì thi THPT Quốc gia năm nay thấp kỷ lục:

Thứ nhất, đề thi “không chấp nhận” những thí sinh chỉ học thuộc lòng và nhớ máy móc mốc sự kiện, ngày tháng. Những điều chỉnh của đề thi năm 2018 so với trước đây (chuyển từ kiểm tra việc tái hiện kiến thức sang đánh giá mức độ vận dụng kiến thức) khiến những học sinh có thói quen học vẹt, học thuộc lòng, không kết nối, vận dụng được kiến thức sẽ không làm được bài thi. Thứ hai, khi bài thi có thêm kiến thức lớp 11, phạm vi kiến thức rộng hơn thì cũng sẽ ảnh hưởng đến độ khó của đề. Thứ ba, các năm trước đây, điểm môn Sử không cao hơn so với các môn thi khác. Điểm môn Sử thấp có thể phản ánh cách dạy và học ở trường phổ thông hiện nay. Giáo viên chưa thực sự đổi mới về cách dạy, học sinh cũng vẫn quen với lối học cũ, không có sự đầu tư và tạo đam mê với môn học này. Thứ tư, khá nhiều học sinh chỉ chọn thi môn Sử cho việc xét tốt nghiệp dẫn đến việc học sinh có thể bỏ không làm các câu khó, hoặc khoanh bừa nên nhiều bài thi có điểm thấp.

Đồng quan điểm trên, các thầy cô giáo dạy phổ thông, những “người trong cuộc” cũng cho rằng: Với tâm lý “học để thi”, môn nào không thi “bỏ qua” nên học sinh thường học lệch. Bản thân môn Sử chương trình vừa quá dài, vừa quá nặng, lại thi kiến thức cả hai khối 11 và 12 nên trải rộng, các em gặp không ít khó khăn trong việc học tập. Ngoài Sử, các em còn phải học nhiều môn học khác nữa, vì những lẽ đó, nên ngoại trừ những em đăng ký xét tuyển ĐH thi khối C chuyên ngành Sử, phần lớn thí sinh chọn tổ hợp môn KHXH là bởi 2 môn còn lại dễ kiếm điểm để vớt lại môn Sử, chỉ cần qua điểm liệt là được.

Mặt khác, ngoài những bất cập, hạn chế về chương trình bộ môn, SGK, có  không ít giáo viên còn thói quen dạy kiến thức theo hình thức thi tự luận, chưa bắt kịp với sự thay đổi về hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng mới. Các thầy cô dạy theo kiểu cũ với các sự kiện trọng tâm theo kiểu làm bài tự luận. Thế nhưng, khi thi đề thi trắc nghiệm dàn trải hết chương trình chứ không nhắm vào phần nội dung trọng tâm nào cả.

Học vì yêu thích, chứ không phải học như… vẹt

Trước những con số đáng báo động về môn Sử, GS.TS Phạm Hồng Tung (Chủ biên môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới) nêu quan điểm, khi mà chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa gấp gáp nhưng người thầy vẫn truyền đạt những kiến thức từ thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, kháng chiến chống Nguyên Mông và học sinh phải trình bày theo đúng mô-típ “Diễn biến, nguyên nhân, kết quả trận đánh” một cách máy móc, với kiểu học này không thể tìm ra những thí sinh tài năng mà chúng ta sẽ có những con vẹt. Do vậy, với cách ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực như năm nay (không chỉ kiểm tra kiến thức học thuộc mà còn kiểm tra khả năng nhận biết, thông hiểu, vận dụng), nếu chỉ học thuộc, thí sinh sẽ không thể đạt điểm cao. Bên cạnh đó, mặc dù đã có đề thi minh họa nhưng nhiều học sinh chủ quan không nắm vững được sự thay đổi của đề thi. Nó giống như thể một người bị bệnh mua thuốc về nhưng lại không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng nên bị “sốc phản vệ”.

GS Phạm Hồng Tung bày tỏ: Với lợi ích chung của xã hội, tôi nghĩ đó là một tín hiệu đáng mừng. Xã hội cần những điểm 10. Nhưng 100 điểm 10 không thực chất còn nguy hiểm hơn nếu đó là điểm 4 -5 thậm chí là 2 – 1. Giống như khi đi khám sức khỏe, chúng ta cần biết sự thực về sức khỏe của mình mới có hi vọng chữa khỏi bệnh. Ưu điểm của đề thi trắc nghiệm khách quan là không ai can thiệp được vào việc chấm thi, từ đó tránh được sự cảm quan và tiêu cực trong thi cử.

Tuy nhiên, ra được đúng câu hỏi khách quan và đánh giá được đúng năng lực lại là một thách thức rất lớn cho người ra đề. Chúng ta không thể chấp nhận được việc học một đằng, thi một nẻo. Cần bỏ hẳn tư duy thi gì học nấy. Bây giờ, việc học phải là học gì thi nấy.

Còn thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho rằng, đây là kết quả rất đáng buồn nhưng lại không bất ngờ. Ngoài những yếu tố đã được các thầy cô thẳng thắn nhìn nhận ở trên, theo thầy Hiếu, do quan niệm học ngành xã hội khi ra trường lương sẽ thấp hơn những ngành khoa học tự nhiên dẫn đến tình trạng hầu hết thí sinh, phụ huynh lựa chọn khối thi, ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhiều thí sinh khi gặp câu hỏi phân hóa, nâng cao chủ yếu là dựa vào yếu tố “may – rủi”, đoán mò chứ không phải tự tin để lựa chọn phương án nào sai, phương án nào đúng. Điều này cho thấy học sinh đang học lệch và học theo kiểu thực dụng: Học để thi chứ không phải học để biết.

Uyên Na – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 103, tháng 8/2018