Chúng em viết về chúng em: Bếp lửa tình thương

Chúng em viết về chúng em: Bếp lửa tình thương

(GDTĐ) – Mỗi con người đều lưu giữ trong mình những ký ức tuổi thơ không thể nào quên gắn liền với tổ ấm gia đình. Đó là những kỷ niệm để lại ấn tượng sâu sắc sẽ đi theo ta đến hết cuộc đời. Đối với tôi, dư vị ngọt ngào nhất về gia đình lại là những điều giản dị bình thường nhất bên ông bà ngoại.

Ảnh minh họa

Khi còn nhỏ, tôi được sống cùng với ông bà ngoại ở một vùng quê thanh bình ngoại thành Hà Nội. Điều làm tôi tự hào hơn các bạn cùng lớp, điều giản dị trong cái giản dị nhưng lại trở nên đặc biệt, đó là tôi đã có được một khoảng thời gian gắn bó cùng với ông bà ngoại mỗi sớm mỗi chiều bên chiếc bếp lửa. Ôi nhớ làm sao, cái bếp lửa do bà tôi nhóm vào buổi sáng tinh mơ trong làn sương sớm của mùa đông. Ngọn lửa đỏ bập bùng cháy, chất quanh là những khúc củi lớn, bên trong là những viên than hồng rực và nồi nước bà đun được bắc lên chiếc kiềng đang reo nghe thật vui tai. Tôi vẫn còn nhớ những lúc bà phải che chắn, khéo léo mãi mới nhóm được lửa lên thì tôi rình nhân lúc bà vào trong nhà, liền rón rén đi lấy giấy ăn thả vào cho lửa cháy to hơn. Hay vặt trộm của ông mấy lá thông cho vào bếp lửa để được nghe tiếng lá cháy lách tách. Nghịch hơn, tôi còn lén rút một que củi còn hồng lửa, đập xuống đất để làm tóe lên những tia lửa sáng trông thật thích mắt. Có lúc, tôi còn gắp trộm mấy viên than hồng rực thả vào chậu nước giống bà hay làm khi muốn tắt bếp, âm thanh xèo xèo và hơi khói bốc lên làm tôi cảm thấy rất thích thú. Thấy bà tất bật vào ra để lo toan bếp núc, tôi cứ nghĩ rằng bà không hay biết gì về những trò tinh quái của mình. Chỉ đến khi bà nhéo tai tôi một cái rồi nói: “Nghịch vừa thôi cô!” tôi mới biết, lúc tôi đang mải mê với những trò nghịch ngợm bên bếp lửa bà đã nhìn thấy nhưng bà chỉ mỉm cười lắc đầu quay đi.

Vào những buổi chiều đông khi đi học về, việc đầu tiên là tôi chạy ngay vào ngồi gần ông, gần cái bếp lửa mà ông đã nhóm sẵn để đợi tôi. Tôi nhanh chân lấy cho mình một cái ghế gỗ để ngồi, hơ đôi bàn tay lạnh giá của mình cho đỡ buốt. Còn ông thì ngồi nướng ngô, mía, vùi khoai sắn hay cả trứng, có khi còn có cả thịt xiên vào bếp lửa đỏ hồng cho tôi ăn. Chả là ông sợ tôi đi học về đói lại chưa đến giờ ăn cơm. Ngồi bên bếp lửa thưởng thức những món ăn mà ông làm cho mới tuyệt vời làm sao. Sợ tôi bị bỏng tay, ông còn cẩn thận bóc vỏ từng củ khoai, từng quả trứng rồi để lên đĩa cho nguội một chút mới đưa cho tôi. Nhìn ông cặm cụi ngồi bên bếp lửa, mái tóc bạc phơ tôi chợt thấy thương ông vô cùng. Cứ thế, tôi lớn dần lên trong tình thương của ông bà ngoại bên chiếc bếp lửa bập bùng sớm hôm.

Giờ đây, không được ở cùng với ông bà ngoại nữa, nhưng mỗi khi nghĩ về kỷ niệm ngày xưa, chỉ bấy nhiêu đó thôi tôi cũng thấy tuổi thơ mình ấm và sáng rực lên với hơi khói ám trên quần áo, một vài chỗ thủng ở tất hay bao tay từ cái bếp lửa ấm áp và thiêng liêng ấy.

Nguyễn Minh Khuê, (Lớp 9A2, Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ)/ Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 70+71, tháng 11/2015