Ngày Xuân nói chuyện… xuân sắc

Ngày Xuân nói chuyện… xuân sắc

(GDTĐ) – Dù biết rõ làm gì có ai trẻ mãi không già, vậy mà khi soi gương, thấy vài sợi tóc hoa râm, trên khóe mắt có vài đường “chân chim”, dây lưng đã phải nới rộng, mặc áo dài đã thấy “khó coi”, ra đường các em đã gọi mình là chú, là bác, thấy các chàng trai trẻ gọi mình là “cô”, là “u” đã thấy chạnh lòng. Bên cạnh những ổn định trong gia đình, những thành công nhất định trong công tác, “tuổi chớm già” có bao nỗi niềm đâu dễ sẻ chia…

* Khi gió heo may … đã về

Sau 40 tuổi người ta có thể gọi là tuổi “sồn sồn” hay tuổi “chớm già” rồi. Đây là lứa tuổi của sự chuyển tiếp từ trung niên sang tuổi già. Đây cũng là tuổi của lúng túng, hoang mang, của những lo âu, phiền muộn, stress. Tuổi chớm già là tuổi của những thay đổi về sức khỏe và tâm lý.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Mới mấy năm trước sung sức là thế, giữa mùa đông cũng có thể “quần đùi, áo may ô” chạy vài vòng Bờ Hồ không biết mệt. Vậy mà giờ đây vừa thoáng chút gió heo may, vợ đã dặn “quàng thêm cái khăn kẻo lạnh” mỗi khi ra đường. Leo bộ có vài bậc cầu thang mà đã nghỉ giữa chừng để thở. Trước đây ai nói đến bệnh mỏi gối, đau đầu, ta tưởng đó là “bệnh của ai”, nhưng giờ đây những bệnh đó đang dần gõ cửa chính nhà ta. Đi khám sức khỏe định kì, bác sĩ dặn không nên làm việc quá sức, lưu ý huyết áp tăng, phải thường xuyên kiểm tra mỡ máu, cholesterone, đề phòng tai biến. Trước đây cận nặng là thế, vậy mà giờ đây đọc báo đã bỏ được kính. Có lúc phải đưa tờ báo ra xa mới rõ chữ. Hôm nào đi lĩnh lương, quên mang kính là coi như “người mù”, chữ kí to tướng, ngoằn ngoèo, khiến cô thủ quỹ phải kêu “chú kí sang dòng của người khác rồi”.

Giá mấy năm trước, sếp có hỏi ai xung phong đi công tác xa, mình đã xung phong. Vậy mà bây giờ, nhìn mình, sếp bảo: “Thôi để các anh em trẻ”. Thế mới chạnh lòng, biết mình … không còn trẻ. Anh em, bạn bè có rủ “làm ăn”, hay đề xuất thay đổi, mình bảo: “Thôi, từ trước đến giờ như thế nào, cứ vậy mà làm”. Trong những cuộc họp, mình đã chọn những góc khuất, không hăng hái phát biểu, khi biểu quyết, cứ nhìn trước ngó sau, thấy đa số người ta làm gì, mình cũng theo đuôi cho “chắc ăn”.

Tự dưng dạo này nhiều lúc thấy buồn vô cớ. Có buổi một mình một xe lần về quê, tìm lại những người bạn học cũ. Họ hàng cũng ngạc nhiên vì thấy dạo này mình không bỏ buổi giỗ nào ở quê, không kì cuộc nào vắng mặt, từ hội làng đến xây mộ Tổ, từ khánh thành từ đường đến sửa lại miếu làng. Thấy mấy đứa con không chịu về quê cùng bố mà bỏ đi picnic trên Tam Đảo, mình đã rất buồn.

* Giơ tay chống đỡ thời gian

Chẳng giống như mình, “bà ấy” nhà mình không chịu ngồi yên chờ “cái tuổi nó đuổi xuân đi”. Trước đây bà ấy là người tiết kiệm là thế, mà bây giờ dám bỏ mấy trăm nghìn để nhuộm lại mái tóc, mỗi khi đi đâu cũng phết lên mặt, lên má chút phấn hồng. Trước đây áo quần chỉ mặc thừa của con gái, vậy mà bây giờ cũng sắm váy, mua nhẫn, mua lắc để đeo.

Đã vậy, bà ấy còn đi học khiêu vũ. Có hôm 8 – 9 giờ tối chưa về. Tối tối lại ngồi ôm điện thoại “buôn chuyện” với mấy bà bạn, rủ nhau đi tập thẩm mĩ, uống thuốc giảm cân. Có hôm bà ấy khoe rằng đi đường có một thanh niên đuổi theo đến nửa cây số, đến khi vượt lên, quay lại cười nhạt và nói: “Con chào u, trông đằng sau u còn trẻ quá!”. Hoá ra áo quần, son phấn không che được vết tích thời gian.

Mình dù sao cũng ý thức được mình đã không còn trẻ, nhưng mấy ông bạn của mình đã “xưng xỉa mặt mày” khi thấy mấy cháu gái gọi là chú. Có ông còn lém lỉnh bảo: “Xin đừng gọi anh là chú”. Vâng, có thể đến chỗ này, chỗ khác, các cô gái “nể nang” mà gọi là anh, nên cứ ngỡ mình còn trẻ lắm. Rõ khổ!

Ảnh minh họa, nguồn: internet

* Xin đừng sợ già

Sao lại sợ mình già nhỉ, có ai không già đâu? Phải nhận thức rõ những đổi thay của mình để mà tập làm quen, tập điều chỉnh để thích nghi. Ta không còn tuổi trẻ, nhưng ta đã từng có tuổi trẻ. Ta không còn khỏe, nhưng ta có sự từng trải, có kinh nghiệm tích góp hơn nửa cuộc đời. Các cụ chẳng bảo: “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già” là gì. Có cố gắng tân trang, có ra sức níu kéo thì rồi mọi người cũng nhận ra, cũng gọi ta là bác, là chú, là ông một cách … trịnh trọng. Vậy thì tại sao phải né tránh tuổi già?

Chỉ tiếc cho mấy cháu thanh niên, tuổi xuân phơi phới, lại muốn mình thành “cụ non”. Đáng ra phải tung hoành ngang dọc, phải xông pha nơi khó khăn, phải học tập để khẳng định mình thì họ lại “sáng ngậm đắng, tối nuốt cay” (sáng cà phê, tối uống rượu)! Mình ao ước được trẻ trung, khoẻ mạnh như họ, họ lại chẳng ước giống mình. 

Đinh Đoàn – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 109+110, tháng 1+2/2019