Cán bộ lớp và những áp lực

Cán bộ lớp và những áp lực

(GDTĐ) – Nhiều học sinh quan niệm, làm lớp trưởng đồng nghĩa với việc “ra oai” nhưng ít ai biết được những áp lực khó gọi tên mà đôi khi người gánh vác trọng trách ấy chỉ biết thở dài.

“Đặc quyền” lớp trưởng

Trong môi trường học đường, lớp trưởng là người điều tiết tất cả mối quan hệ trong một tập thể lớp. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, trách nhiệm này lại trở nên quá sức khiến nhiều lớp trưởng bị “mất điểm”. Em Nguyễn Gia Huy, học sinh lớp 10 (trường THPT Nguyễn Văn Huyên) kể: “Năm nay em bắt đầu vào cấp 3 nên còn nhiều bỡ ngỡ với môi trường, bạn bè, thầy cô mới. Trong khi đó, chúng em đang ở lứa tuổi nhạy cảm giới tính nên mặc dù là lớp trưởng nhưng em cũng không tránh khỏi cảm giác ngại ngần khi tiếp xúc với các bạn nữ. Do khối lượng công việc đầu năm nhiều nên em đã chủ động nhờ một số bạn hỗ trợ mình hoàn thành nhiệm vụ.

Cụ thể, em có nhờ 2 bạn nam trong lớp giúp mình vận động các bạn nữ tham gia vào đội múa của trường cho tiết mục biểu diễn đầu năm học mới. Không ngờ điều này làm các bạn nữ cho rằng, em là lớp trưởng nhưng lại kiêu căng, không tiếp xúc trực tiếp với các bạn mà phải qua người khác… Em chỉ biết điều này khi đọc được những điều các bạn viết và bình luận về mình trên facebook cá nhân. Sau đó, được sự động viên của mẹ, em đã gặp trực tiếp những bạn đó để chủ động thanh minh. Rất may sau đó, các bạn không còn hiểu lầm nữa mà còn ủng hộ em trong cả học tập và quản lý lớp.

Gắn kết tập thể là vai trò và trách nhiệm của cán bộ lớp. Ảnh minh họa

Nguyễn Hải Anh (lớp 9, Trường THCS Nguyễn Trãi) cũng gặp nhiều áp lực nặng nề dẫn đến căng thẳng khi nhận trọng trách lớp trưởng. Ngoài việc học tập thì học sinh còn cần tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Việc tham gia này chính là tiêu chí để xét thi đua giữa các khối, lớp với nhau. Nhưng ít ai hiểu nỗi khổ của lớp trưởng là mỗi lần phân công hay chỉ đạo các bạn tham gia các hoạt động, phải năn nỉ hết bạn này đến bạn kia. Trong khi thầy cô giao nhiệm vụ phải ghi tên những bạn nào không tham gia thì lại bị các bạn cho là “mách lẻo”. Chưa kể đến áp lực học tập, chỉ cần tháng này hơi tụt so với tháng trước cũng sẽ bị các bạn chê cười thậm chí nghi ngờ khả năng làm cán bộ lớp… Không chịu được áp lực nên chỉ làm một học kỳ là em xin từ chức, Hải Anh cho biết.

Bên cạnh đó, không ít trường hợp giáo viên chủ nhiệm trao quá nhiều quyền cho lớp trưởng dẫn đến “lộng quyền”, đặc biệt là cấp tiểu học và trung học cơ sở.  Một trong những trọng trách của lớp trưởng là gắn kết những thành viên trong lớp lại với nhau. Tuy nhiên, không ít lớp trưởng lại lợi dụng địa vị của mình để lôi kéo các bạn khác làm “đệ tử”. Do đó, khi có chuyện gì, nếu “nạn nhân” báo cáo cho cô chủ nhiệm thì lớp trưởng cũng cãi bay cãi biến và những “đệ tử” của lớp trưởng sẽ đứng ra làm chứng. Thậm chí có lớp trưởng còn quản lý lớp bằng những “chế tài” tự đặt ra như ngoài ghi tên còn phạt tiền đối với những bạn “ăn trong giờ” hay nộp phạt 10 khăn đỏ đối với những bạn quên đeo khăn đỏ đến lớp… Việc làm này bị cho là lớp trưởng “độc tài”, “tống tiền”.

Không nên trao nhiều quyền

Chị Hoàng Thị Vân (Hoàng Mai – Hà Nội) kể, năm lớp 4, con trai chị được cô giáo phân công làm lớp trưởng. Chỉ sau một học kì, con trai chị có rất nhiều thay đổi. Từ khi được làm “cán bộ lớp”, cháu tự cho mình là người quan trọng, hay quát và gắt gỏng với mọi người trong gia đình. Do không hòa hợp với các bạn ở lớp nên cháu dần bị các bạn xa lánh, còn người thân trong gia đình buồn lòng. Trẻ nhỏ rất dễ ngộ nhận về những quyền lợi của mình khi làm lớp trưởng dẫn đến việc có những hành vi sai lệch như trên. Sau khi tìm hiểu được nguyên nhân, tôi đã tâm sự và chia sẻ với con rất nhiều. Tôi cũng gợi ý cho con cách giải quyết công việc, cách hành xử thế nào cho đúng ở mỗi tình huống, nhắc nhở con về việc xây dựng tình bạn. Ngoài ra, tôi cũng tìm gặp cô giáo, thẳng thắn kể lại những hiện tượng thay đổi tâm tính của con mình để cô giáo có thể điều chỉnh cách giao việc cho con trên lớp. Làm lớp trưởng tốt đúng là rất khó, vì thế các bậc phụ huynh và thầy cô nên giúp đỡ, định hướng cho trẻ…”, chị Vân cho chia sẻ.

Còn cô giáo Nguyễn Thu Hương (trường THCS Nguyễn Trãi) cũng cho rằng, giáo viên chủ nhiệm không nên giao quá nhiều đặc quyền mà cần thường xuyên phối hợp với lớp trưởng để quản lý lớp cho tốt. Có không ít thầy cô giáo do bận nhiều việc nên giao phó toàn bộ cho lớp trưởng nên mới có chuyện lớp trưởng tự ý bắt các bạn nộp phạt bằng tiền. Điều này là trái quy định. Đối với trường hợp vi phạm, chỉ cần lớp trưởng trao đổi với cô thay bằng hình thức dọn vệ sinh hay việc gì đó cho phù hợp hơn. Cô Hương cho biết thêm, thông thường, một trong những tiêu chí để giáo viên bầu chọn lớp trưởng là dựa trên kết quả điểm số từ những năm trước, đặc biệt là điểm thi đầu vào đối với những học sinh đầu cấp. Vì thế không nên trao quá nhiều quyền cho lớp trưởng trong thời điểm này.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường Đinh Tiên Hoàng cho rằng, một giải pháp vừa giảm bớt áp lực cho lãnh đạo lớp, đặc biệt là lớp trưởng lại vừa đảm bảo tính công bằng trong công tác quản lý lớp là cho các học sinh luân phiên làm lớp trưởng theo tháng hoặc học kỳ để học sinh có nhiều cơ hội phát huy khả năng, bản lĩnh của mình.

“Các em cán bộ sẽ không dám có thái độ không đúng mức với các bạn, bởi tháng sau, rất có thể bạn đó sẽ lại làm “sếp” của mình. Thậm chí, giáo viên có thể coi chức danh lớp trưởng là một phần trao thưởng cho bạn nào có thành tích xuất sắc nhất trong tháng. Không khí trong lớp vì thế rất vui vẻ, bình đẳng”, TS Tùng Lâm nói.

Theo Lao động Thủ đô