SỬ DỤNG TRÒ CHƠI TRONG DẠY HỌC TIẾNG ANH

SỬ DỤNG TRÒ CHƠI TRONG DẠY HỌC TIẾNG ANH

(GDTĐ) – Mỗi môn học có những phương pháp giảng dạy, đặc thù riêng. Với môn tiếng Anh, để các giờ dạy đạt chất lượng tốt, tạo cho học trò sự hứng khởi khi tiếp thu bài học thì người giáo viên giảng dạy phải thực sự có những phương pháp độc đáo, hấp dẫn.

Hiện nay đã có rất nhiều phương pháp giảng dạy mới đã và đang được áp dụng trong quá trình dạy ngoại ngữ và đều là các phương pháp hay, dễ sử dụng và đã góp phần nâng cao chất lượng môn học. Trong số các phương pháp ấy, việc sử dụng các trò chơi ngôn ngữ (Language games) trong việc giảng dạy và học tập môn tiếng Anh có lẽ hiệu quả hơn cả. Các trò chơi ngôn ngữ không chỉ giúp thay đổi không khí trong tiết học và làm cho các bài học bớt căng thẳng mà còn giúp người học dễ nhớ và tiếp thu kiến thức một cách sâu sắc. Có thể kể đến một số trò chơi ngôn ngữ dễ áp dụng nhưng lại mang đến những kết quả bất ngờ như Car racing (Đua xe), Word – practicing (Rèn từ), Guessing – word (Đoán chữ), Making sentence (Tạo câu),  Nói thầm – Kịch câm, Tra từ điển ngược, Simon says, Nought and crosses,  Up – Down – Right – Left, Present – Past – Participle, Irregular verbs, Repeat after me, Magic ball…

 

Cách chơi cụ thể của một số game như sau:

Game 1: Word – practicing (Rèn từ)

Yêu cầu: Ít nhất có hai người chơi và nếu cần có một cuốn từ điển. Trên lớp giáo viên có thể chia lớp thành hai nhóm và chính giáo viên hoặc một học sinh làm trọng tài.

Cách chơi: Lấy một từ tiếng Anh bất kì (việc này giáo viên có thể làm), ví dụ: yesterday. Dùng các con chữ tạo nên từ đó, cụ thể ở đây là: y, e, s, t, e, r, d, a, y để tạo ra những từ khác, ai tạo được nhiều từ hơn là thắng cuộc. Trong ví dụ trên ta có thể tạo được các từ như: yes, trader, year, steady – state… Khuyến khích khả năng tổ hợp.

Với trò chơi này, học sinh phải cố gắng nhớ lại tất cả các từ trong đầu mình, vừa giúp đỡ quên từ lại có thể học thêm được từ mới trong số các từ mà người bạn chơi tạo ra. Giáo viên suy nghĩ và tìm những từ có các chữ cái có thể thành lập được các từ khác nằm trong nội dung học sinh đã học hoặc để kiểm tra vốn từ của học sinh.

Game 2:  Guessing – word (Đoán chữ)

Trò chơi này về cơ bản giống gameshow “Chiếc nón kì diệu” trên truyền hình. Người chủ trò (Giáo viên hoặc một học sinh) chọn một cái tên hoặc từ theo một chủ đề, sau đó vẽ số ô vuông tương ứng với số chữ cái của tên đó hoặc từ đó. Từ gợi ý cho trước, người chơi sẽ đoán mỗi lần một chữ cái, nếu chữ cái đó có trong ô chữ thì chủ trò sẽ viết chữ cái ấy vào đúng vị trí. Ai tìm ra tên thì người đó thắng. Ngược lại sau 5 lần đoán sai (số lần là do người chủ trò và người chơi quy định) mà chưa tìm ra thì người chơi sẽ thua. Có thể hai hay nhiều học sinh làm chủ trò thay nhau. Ai thắng nhiều lần thì sẽ thắng chung cuộc.

Kinh nghiệm tổ chức trò chơi ngôn ngữ

Các trò chơi nói trên giúp học sinh vừa chơi, vừa học không chỉ ở trên lớp mà còn ở mọi nơi, mọi chỗ, đồng thời vừa ôn luyện từ vựng hiệu quả. Các trò chơi thu hút học sinh tham gia bài học, đặc biệt là các bài đọc hiểu, hội thoại để giới thiệu chủ đề. Ngoài ra, ta có thể áp dụng trong các chương trình ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng Anh, hoặc khuyến khích học sinh luyện tập theo nhóm. Các trò chơi cũng rèn luyện cho các em khả năng phán đoán, sáng tạo, rèn luyện sự phản xạ nhanh nhạy, dứt khoát, tính tự tin, tạo không khí vui tươi, thân mật.

 

Thực tế cho thấy với các lớp giáo viên tổ chức trò chơi tiếng Anh thì học sinh rất hứng thú khi đến giờ học, hiểu bài sâu hơn và tự nhiên hơn, bớt đi những rụt rè vốn có. Với một số lớp, giáo viên không đưa trò chơi vào trong các giờ học thì học sinh có thể sẽ ngại nói, kiến thức không sâu, e ngại khi đến giờ học, không thật sự hứng thú về môn học.

Tuy nhiên, để trò chơi phát huy hiệu quả, giáo viên cần có sự chuẩn bị kỹ càng và sắp xếp thời gian linh hoạt, đồng thời chọn trò chơi phù hợp với nội dung bài học. Các thầy cô cũng cần chuẩn bị chu đáo về phương tiện, dụng cụ cần thiết. Trong quá trình tổ chức trò chơi phải đi từ dễ đến khó, không nên thực hiện ngược điều đó. Khi phạt học sinh bị thua nên có hình phạt nhẹ nhàng, tế nhị, động viên học sinh cố gắng hơn lần sau. Khi chơi cũng không nên thiên vị hoặc phân biệt giới tính, hoặc cố tình bắt phạt em nào.

Trong khi thực hiện trò chơi tiếng Anh, sự ồn ào trong lớp học là khó tránh khỏi điều này sẽ dễ làm ảnh hưởng tới các lớp học khác, vì vậy GV phải thực sự là người chủ trò năng động, giải quyết mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra thì mới thực hiện được trò chơi một cách hiệu quả.

Lê Thị Thủy
Trường Cao đẳng CSND I
– Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 61 (tháng 1/2015)